Tiếp quản tổ chức và mạng lưới bưu điện ngụy phía nam; thống nhất tổ chức giao bưu và thông tin miền (b2), cải tạo phát triển mạng lưới, thống nhất toàn ngành bưu điện toàn quốc (1975-1976)

 I.   Tiếp quản tổ chức và mạng lưới bưu điện ngụy phía nam

Thắng lợi oanh liệt của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân 1975, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại. Đất nước độc lập, thống nhất, bước vào thời kỳ mới. Việc bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ TW Đảng, Nhà nước chỉ đạo công cuộc củng cố các vùng mới giải phóng, khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng đất nước phồn vinh và phục vụ các nhu cầu về giao lưu tình cảm của nhân dân đặt ra cho ngành Bưu điện những yêu cầu mới. Nhiệm vụ trước mắt của Ngành là nhanh chóng tiếp quản các cơ sở thông tin của ngụy, cải tạo, tăng cường và tổ chức thông tin liên lạc theo yêu cầu mở rộng hoạt động trên cả nước để có chủ trương, biện pháp thích hợp.

Với khí thế thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy thần tốc Mùa Xuân 1975, Ban tiếp quản Bưu điện được TW Cục miền Nam quyết định thành lập để phục vụ công tác tiếp quản các cơ sở của ngụy bao gồm cả Tổng cục Bưu chính và Tổng nha Viễn thông.

Hệ thống Bưu chính ngụy lúc này do Tổng cục Bưu chính ngụy quản lý có các đường thư máy bay đi Đà Lạt-Huế, Đà Nẵng-Phan Thiết-Vũng Tàu-Nha Trang và Buôn Mê Thuật; có đường ô tô đi các tỉnh miền Đông, miền Tây và đường thư quốc tế đi một số nước…. Ban tiếp quản đã triển khai hàng loạt công việc cụ thể đáp ứng yêu cầu phục vụ trước mắt của công tác bưu chính, đồng thời chuẩn bị tiến hành công tác thống nhất Bưu chính toàn quốc.

Trên thực tế, do tính chất và mục đích của chế độ nên ngụy quyền Sài Gòn đã xây dựng một mạng lưới bưu chính hoàn toàn tập trung ở thành phố và thị xã, còn ở vùng nông thôn và miền núi không hề phát triển. Sau khi tiếp quản, ta đã khẩn trương cải tạo và xây dựng mới về tổ chức, về quản lý tổ chức mạng lưới, từng bước mở các nghiệp vụ, kịp thời phục vụ sự lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng và Chính phủ cũng như của nhân dân. Trước mắt để khắc phục tình trạng mất cân đối của mạng lưới cũ, cần đưa các tổ chức giao bưu, kháng chiến về thành phố, thị xã… cùng với chi viện của miền Bắc vào để xây dựng hình thành một mạng lưới bưu chính đến các quận huyện. Tuy mức độ và tác dụng khác nhau nhưng đã xây dựng được các đường thư từ TW đến miền, từ miền đến các tỉnh và nội tỉnh nên chuyển phát kịp thời công văn, thư tín báo chí cách mạng. Tại các tỉnh khu V đã tiến hành xây dựng mạng lưới bưu điện địa phương theo Quyết định 93/CP của Hội đồng Chính phủ đã được triển khai áp dụng ở miền Bắc, nhờ vậy mạng lưới bưu điện phát triển rộng khắp. Tại Sài Gòn, ngoài các cơ sở do Bưu điện thành phố quản lý đã thiết lập Trung tâm Bưu chính và Phát hành báo chí đảm nhiệm đường trục từ Hà Nội vào và đi các tỉnh, chỉ đạo hướng dẫn các tỉnh về tổ chức mạng lưới phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ mới.

Mạng viễn thông của chính quyền Mỹ ngụy Sài Gòn cũng được chia làm 3 hệ thống hoạt động riêng biệt: thông tin quân sự, thông tin nội vụ và thông tin dân sự. Trong đó hệ thông tin quân sự mạnh do được Mỹ xây dựng quản lý và khai thác từ 1962-1972 mới giao cho ngụy quản lý và sử dụng. Hệ nội vụ chuyên dụng phục vụ công tác nội chính, quản lý trật tự trị an xã hội chủ yếu là phương tiện điều hành lực lượng đàn áp phong trào cách mạng của nhân dân, do đó nó được chính quyền Mỹ ngụy phát triển rộng khắp xuống tận xã phường, khai thác theo phương thức sóng ngắn, có mã và có riêng một bộ phận chuyên dịch mã, do Bộ nội vụ quản lý từ trang thiết bị đến khai thác. Hệ dân sự do Tổng nha Viễn thông quản lý điều hành và khai thác chủ yếu phục vụ thành phố, thị xã, thị trấn lớn. Nó có sự không cân đối giữa viễn thông trong nước và quốc tế, giữa phương thức VTĐ, viba và hữu tuyến điện. Nhìn chung khối lượng tiếp quản không lớn lắm và phương thức thiết bị cũng không hiện đại so với phần của quân sự. Mạng nội hạt ở các tỉnh thị thì quá ít ỏi, mạng cáp truyền dẫn thì chắp vá. Do đó việc tiếp quản nhanh, gọn để kịp thời tổ chức triển khai việc điều chỉnh, cải tạo phát triển mạng lưới thông tin đưa vào phục vụ xã hội.

Phương thức Vô tuyến sóng ngắn cũng nhanh chóng phục hồi và đưa vào khai thác vô tuyến thoại, te-le-tip và điện báo mooc. Ngoài ra các hệ thống thông tin duyên hải, Đài kiểm soát tần số mang thông tin quốc tế cũng đã đưa vào hoạt động bình thường.

Tóm lại, sau khi tiếp quản, chúng ta đã nắm chắc hệ thống tổ chức quản lý và khai thác mạng viễn thông của chính quyền ngụy, phát hiện được những nhược điểm cơ bản, kịp thời cải tạo và chuyển hướng, tận dụng và phát huy các mặt tích cực, từng bước điều chỉnh, bổ sung, sửa chữa, khôi phục các thiết bị máy móc, tăng cường cán bộ, chấn chỉnh xây dựng quản lý từ miền đến các tỉnh nhằm đưa mọi hoạt động viễn thông vào nề nếp, tạo tiền đề cho việc tổ chức quản lý thống nhất toàn quốc.

 

II.    Thống nhất tổ chức giao bưu và thông tin miền (B2), cải tạo phát triển mạng lưới, thống nhất ngành Bưu điện toàn quốc

Với thắng lợi rực rỡ của Mùa Xuân 1975, cách mạng Việt Nam đã chuyển qua giai đoạn mới, từ chiến tranh chuyển sang hòa bình, từ một nước bị chủ nghĩa thực dân mới chia cắt và thống trị sang nước độc lập thống nhất, từ 2 nhiệm vụ chiến lược cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng XHCN sang một nhiệm vụ chiến lược là cách mạng XHCN và xây dựng CNXH trong cả nước…

Đất nước được độc lập, đó là điều kiện hết sức thuận lợi tạo khả năng mới trong việc khai thác mọi tiềm lực dồi dào của cả nước để xây dựng một mạng lưới thông tin bưu điện quy mô lớn phát triển rộng khắp, lâu dài. Chúng ta lại sẵn có một đội ngũ cán bộ công nhân viên chức của 2 ban Giao bưu Vận và Ban thông tin VTĐ được thử thách và rèn luyện trong suốt 20 năm chống Mỹ cứu nước, hòa nhập với đội ngũ cán bộ được đào tạo chính quy  trong 20 năm xây dựng và phát triển mạng lưới bưu điện trong công cuộc xây dựng XHCN.

Trong cuộc chiến tranh kéo dài hơn 20 năm, đế quốc Mỹ đã để lại trên mảnh đất miền Nam Việt Nam những tồn tại về mặt kinh tế, chính trị, văn hóa và tư tưởng khá phức tạp, gây ra những khó khăn nhất định trong bước đầu thực hiện công cuộc cải tạo và xây dựng đất nước. Đặc biệt là từ tư duy đến phương pháp trong mối quan hệ công tác giữa các ngành trong quá trình ổn định để thống nhất, xuất hiện nhiều tình huống thiếu sự đồng nhất, tập trung, trong đó Bưu điện là ngành phục vụ Đảng, Nhà nước và xã hội vừa sản xuất kinh doanh có tính chất dây chuyền theo hệ thống dọc từ TW xuống tận các cơ sở và hoạt động theo phương thức hạch toán toàn Ngành. Để hoàn thành được 2 trọng trách là vừa phục vụ sự lãnh đạo chỉ đạo của Đảng, vừa đảm bảo được nhu cầu hết sức bức thiết trong sự phục vụ nhu cầu giao lưu tình cảm của nhân dân 2 miền Nam Bắc ly tán do chiến tranh kéo dài, trong khi chờ đợi một chủ trương chung về việc thống nhất quốc gia của Đảng và Chính phủ, Ngành phải triển khai lựa chọn và thực hiện một phương án tổ chức thông tin trên cơ sở thực tế sao cho phù hợp với tình hình hiện có, sát đúng với chủ trương sau này của Đảng và Chính phủ.

Trên thực tế quá trình diễn biến cuộc Tổng tấn công và nổi dậy 1975 cũng là quá trình hình thành tổ chức Bưu điện nằm trong Ủy ban quân quản của các thị xã và thành phố trên toàn miền Nam, lần lượt tiến về tiếp quản các cơ sở Bưu điện ngụy quyền. Tại các tỉnh, Ban tiếp quản được hình thành trên cơ sở thống nhất 2 Ban Giao bưu Vận và Ban Thông tin VTĐ thuộc TW Cục. Các đơn vị tiếp quản đã tiến hành công tác điều tra, nắm tình hình tổ chức quản lý, mạng lưới thông tin. Nắm đến đâu cử ngay cán bộ công nhân viên đến chốt giữ quản lý và đưa vào vận hành khai thác. Mặt khác trong lúc truy quét tàn binh địch cũng tiến hành đăng ký trình diện toàn bộ viên chức Bưu điện ngụy theo  quy chế tập trung đối với các viên chức bậc cao. Những viên chức cấp dưới được học tập chỉnh huấn tại chỗ, sắp xếp hồ sơ lý lịch và đưa vào sử dụng cho bộ máy Bưu điện khắp toàn Miền giữ hoạt động bình thường.

Với số lượng ban đầu quá ít ỏi, sau đó lần lượt bổ sung thêm lực lượng từ căn cứ kháng chiến về cùng với các đoàn cán bộ Bưu điện từ TW chi viện, chỉ trong vài ngày đầu giải phóng, chúng ta đã chiếm và làm chủ hoàn toàn các cơ sở Bưu điện ở hầu hết các thị xã, thành phố khắp toàn miền, lần lượt nhanh chóng đưa vào khai thác phục vụ Đảng, chính quyền và nhân dân.

Tháng 7/1975, Ban quân quản trên toàn miền đã hoàn thành nhiệm vụ tiếp quản, tổ chức đấu nối mạng lưới phục vụ sự chỉ đạo của Đảng và các ngành, Tổng cục Bưu điện miền Nam được thành lập theo Quyết định số 024/Q Đ/75 của Thường vụ TW Cục. Theo QĐ này, Ban cán sự và lãnh đạo Tổng cục miền Nam đã tiến hành việc chuẩn bị cơ cấu tổ chức ngành Bưu điện các cấp trong phạm vi B2 cũ. Trên cơ sở cấu trúc của tổ chức quản lý Bưu điện ở miền Bắc và tình hình thực tế ở miền Nam B2 cũ, Ban Cán sự dự thảo cơ cấu bộ máy toàn miền. Từ khu V trở ra đã và đang triển khai thực hiện Quyết định 93/CP năm 1972 về cơ cấu hoạt động của Bưu điện miền Bắc.

Tháng 8/1975, BCH TW Đảng nhận định đánh giá tình hình diễn biến của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới là: thống nhất càng sớm thì có thể phát huy được sức mạnh tổng hợp và toàn diện của nhân dân toàn quốc để xây dựng và bảo vệ những thành quả đã có. Quán triệt đầy đủ các nội dung và tinh thần đó của BCH TW Đảng, Tổng cục Bưu điện miền Nam ra quyết định thành lập các bộ phận chức năng và chỉ thị tạm thời các ban phụ trách và đến tháng 10/1975, các tổ chức này bắt đầu hoạt động.

Ở miền bắc, tuy có một mạng lưới thông tin đã được cải tạo và xây dựng suốt hơn 20 năm, tương đối rộng khắp nhưng cũng phải chịu nhiều sự tàn phá của chiến tranh phá hoại nên mạng lưới có tính chắp vá thiếu vững chắc.

Ở miền Nam trong các vùng giải phóng tuy có hình thành mạng lưới thông tin bưu điện từng vùng nhưng cũng chỉ dạng dã chiến, cơ động. Ở vùng địch chiếm tuy có mạng lưới bưu điện riêng, được trang bị với cùng loại thiết bị hiện đại nhưng phục vụ các nhu cầu thông tin về thương mại và giao lưu tình cảm của xã hội thượng lưu là chủ yếu nên chỉ tập trung phát triển mạng lưới bưu điện ở các vùng đô thị lớn. Sau khi tiếp quản, Tổng cục Bưu điện Miền đã cải tạo và xây dựng lại cơ chế tổ chức quản lý và điều hành sản xuất, phục vụ, từng bước mở dần việc khai thác các nghiệp vụ chủ yếu đảm bảo thông tin phục vụ Đảng bộ và Chính quyền các cấp và giao lưu tình cảm của nhân dân. Ở thành phố Sài Gòn-Gia Định ngoài các cơ sở do Bưu điện thành phố quản lý có tổ chức thêm Trung tâm Bưu chính và Phát hành báo chí đảm nhiệm đường thư trục chính từ Hà Nội vào đi các tỉnh và làm nhiệm vụ chỉ đạo hướng dẫn các tỉnh về tổ chức, quản lý và khai thác theo quy trình công nghệ Bưu điện miền Bắc. Ở các tỉnh thành khác cũng hình thành các Trung tâm Bưu chính PHBC làm đầu mối trung tâm vận chuyển khai thác giữa tỉnh và miền với TW và xuống các Bưu điện huyện.

Về điện chính, sau khi tiếp quản đã quan hệ hợp đồng với mang lưới thông tin quân sự, với Bưu điện Hà Nội, với mạng lưới Cục Bưu điện TW đã kịp thời triển khai thông tin điện báo, điện thoại phục vụ công tác chỉ đạo của Đảng từ TW vào Sài Gòn và các tỉnh miền Nam, tiếp đó tiến hành công tác điều tra, nắm bắt hệ thống mạng lưới thông tin của chính quyền ngụy để lại. Từ kiểm tra phát hiện ra những nhược điểm của mạng lưới để kịp thời chuyển hướng cải tạo, từng bước bổ sung, điều chỉnh, sửa chữa khôi phục thiết bị máy móc, tăng cường cán bộ… Riêng Cục Bưu điện TW là đơn vị Bưu điện chuyên trách phục vụ Đảng và Chính phủ nên có một cơ chế tổ chức và mạng lưới riêng về bưu chính, điện báo, điện thoại.

Ngày 30/3/1976, với danh nghĩa Tổng cục Bưu điện thuộc chính phủ Lâm thời CHMNVN ra thông báo tiếp tục tham gia 2 tổ chức Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) và Liên minh  Điện chính thế giới (ITU). Đề nghị này nhanh chóng được chấp thuận là thắng lợi về đối ngoại làm tiền đề cho việc thống nhất Bưu điện. Từ đó, trên thực tế, Tổng cục Bưu điện miền Nam chỉ là trên danh nghĩa, còn thực tế thì Bưu điện 2 miền đã thống nhất cùng phục vụ cho các sự kiện lớn diễn ra trên cả nước đặc biệt là phục vụ cuộc tổng tuyển cử trong cả nước ngày 25/4/1976, kỷ niệm lần thứ nhất 30/4/1976.

Ngày 02/8/1976, Hội nghị Thống nhất toàn Ngành được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh do đ/c Trần Quang Bình trực tiếp chỉ đạo. Từ đây, ngành Bưu điện Việt Nam thống nhất dưới sự chỉ đạo lãnh đạo chung vào một đầu mối, một đơn vị kế hoạch với Nhà nước. Ngành là đơn vị trực thuộc Hội đồng Chính phủ vừa thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thông tin liên lạc, vừa làm nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và phục vụ các yêu cầu của Đảng và Nhà nước. Giờ đây ngành Bưu điện Việt Nam đang hướng về phía trước, chuẩn bị lực lượng, tìm kiếm nguồn chi viện, xây dựng lại các cơ chế chính sách và quy hoạch để chuẩn bị cho sự vươn lên cùng đất nước, từng bước đưa tiến bộ kỹ thuật vào mạng lưới, khắc phục tình trạng lạc hậu, đưa Ngành từng bước đi dần vào khoa học kỹ thuật tiên tiến của thế giới.