Kiện toàn tổ chức, khắc phục hậu quả chiến tranh, từng bước nâng cao chất lượng mạng lưới thông tin bưu điện, phục vụ xây dựng đất nước và chiến đấu bảo vệ tổ quốc (1976-1980)

Thắng lợi oanh liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mở ra một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc, kết thúc 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc bắt đầu từ cách mạng tháng Tám, chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân, đế quốc trên đất nước ta, làm cho Tổ quốc ta độc lập, thống nhất và đưa cả nước tiến lên CNXH. Bước vào giai đoạn mới, nhu cầu về thông tin liên lạc rất lớn vì phải phục vụ trong phạm vi cả nước. Trong giai đoạn này, CBCNV Ngành đã vượt lên khó khăn do hậu quả chiến tranh, phát huy tinh thần tự lực tự cường, nhanh chóng tiến hành thống nhất toàn Ngành về tổ chức, cải tiến phương thức quản lý và tổ chức lại sản xuất. Trên cơ sở đó triển khai chế độ hạch toán kinh tế thống nhất, xóa bỏ dần tình trạng quản lý theo kiểu hành chính sự nghiệp, khôi phục, cải tạo củng cố, thống nhất và từng bước hiện đại hóa mạng lưới thông tin liên lạc trong cả nước.

 

I.     Thống nhất, kiện toàn tổ chức, phát huy quyền tự chủ cơ sở, xây dựng đội ngũ

1.   Thống nhất và kiện toàn tổ chức, phát huy quyền tự chủ cơ sở

Sau năm 1975, tổ chức bộ máy quản lý thông tin ở 2 miền hoàn toàn khác nhau, đặc biệt ở miền Nam bộ máy quản lý phân tán, cục bộ, thiếu cán bộ lãnh đạo, tạo kẽ hở phát sinh tiêu cực, ảnh hưởng đến tiến trình phát triển chung của Bưu điện cả nước. Để khắc phục  tình trạng trên, Đảng đoàn Tổng cục Bưu điện đã chủ trương sớm kiện toàn tổ chức bộ máy, nhằm thống nhất quản lý và điều hành sản xuất kinh doanh trong toàn Ngành. Trong giai đoạn trước mắt, Ngành phải khẩn trương xây dựng, củng cố, cải tạo và phát triển mạng lưới thông tin liên lạc trong cả nước, giải quyết các khó khăn trong công tác bảo đảm kỹ thuật, tập trung mọi khả năng thiết bị ở cả 2 miền để tăng thêm đường thông và nâng cao chất lượng.

Về bưu chính và PHBC: Dựa vào khả năng thực tế để mở rộng từng bước nhanh chóng mạng lưới đến xã bằng cách tận dụng mọi phương tiện vận chuyển của xã hội đặc biệt là ô tô. Thông tin bưu chính ở miền Nam gồm cả PHBC để đảm bảo các loại báo, tạp chí được phát hành đúng hướng, đúng đối tượng và cân đối, chú trọng phục vụ công văn, thư, báo. Những nghiệp vụ khác cần nghiên cứu và triển khai dần để phục vụ toàn miền khi đã chuẩn bị tương đối đầy đủ về tổ chức, quản lý và điều kiện vật chất.

Về thông tin điện chính: Tận dụng triệt để các cơ sở thông tin hiện có, khôi phục hoạt động và quản lý tốt, đưa các thiết bị vào vận hành, khai thác phục vụ yêu cầu trước mắt đồng thời điều chỉnh, cải tạo và bổ sung, mở rộng mạng lưới…Nhiệm vụ quan trọng là tăng thêm đường thông và nâng cao chất lượng điện thoại, điện báo bằng vô tuyến sóng ngắn giữa Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn. Song do mạng viễn thông của ngụy để lại hết sức hạn chế nên cần tích cực phối hợp với Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc, Bộ Nội vụ để tận dụng cả 4 hệ thống thông tin của địch trước đây phân tán ở nhiều ngành, nhằm nâng cao năng lực phục vụ cho chính quyền cách mạng tốt hơn.

Do đặc điểm tình hình miền Nam và hoàn cảnh mới của đất nước, lúc đó mạng lưới thông tin miền Nam  đang được quản lý theo cung cấp chế. Đây là trở ngại lớn cho sự hoạt động thống nhất và sự chỉ huy điều độ mạng lưới chung toàn quốc, nâng cao chất lượng thông tin và chất lượng phục vụ. Ngày 19/8/1975, Đảng đoàn Tổng cục Bưu điện chính thức đề nghị Ban bí thư TW Đảng và Thường vụ Hội đồng Chính phủ cho phép ngành Bưu điện được thống nhất quản lý toàn diện theo ngành dọc trong phạm vi cả nước trong đó xác định nhiệm vụ khẩn cấp là phải đẩy mạnh công tác huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công nhân viên kỹ thuật nghiệp vụ ở miền Nam theo yêu cầu cơ bản và có hệ thống toàn diện. Lựa chọn những cán bộ, công nhân trẻ tuổi và có triển vọng để đào tạo dài hạn chuẩn bị cho quy hoạch xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật nghiệp vụ vững mạnh cho sau này.

Để công tác thông tin Bưu điện ở các địa phương hoạt động thuận lợi và thống nhất, các Bưu điện tỉnh được thành lập theo Nghị định 66-CP của Hội đồng Chính phủ. Một số đơn vị trực thuộc Tổng cục cũng được thành lập như Công ty công trình II Đà Nẵng, trường công nhân Bưu điện Đà Nẵng. Ngoài ra một số cơ sở sản xuất trực thuộc các cục của Tổng cục cũng được thành lập và đặt tại Đà Nẵng để phục vụ việc cải tạo, xây dựng và nâng cao chất lượng mạng lưới ở miền Trung như: cơ sở vận chuyển miền Trung thuộc Cục Bưu chính và PHBC, kho vật tư, cơ sở 2 Xí nghiệp sửa chữa thiết bị Thông tin, cơ sở 2 Xí nghiệp bê tông….Đây là những tiền đề rất quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Ngành thống nhất đồng bộ về quản lý kinh tế khi bước vào năm 1976.

Ở miền Nam, Tổng cục Bưu điện chưa có quyết định giải thể để thống nhất quản lý ngành vào Tổng cục Bưu điện TW nên để đẩy mạnh và đảm bảo hoạt động của Ngành đồng bộ, thống nhất, tăng cường chất lượng thông tin phục vụ sự lãnh đạo tập trung thống nhất của TW Đảng và Chính phủ, lãnh đạo Ngành đã thống nhất một số việc cần tiến hành ngay, trong đó:

Về tổ chức: Tổng cục Bưu điện miền Nam sẽ quản lý trực tiếp các tổ chức Bưu điện trong toàn miền.

Về mạng lưới: để nâng cao năng lực về chất lượng, cần điều chỉnh một số thiết bị thông tin từ miền Nam ra Hà Nội, chấn chỉnh một số khâu khai thác, đảm bảo an toàn bí mật thông tin trước hết là thông tin đường dài, tăng cường các đài duyên hải đủ sức phục vụ nhu cầu hiện tại.

Từ cuối tháng 3 – 5/1976, trên cơ sở thỏa thuận giữa Tổng cục Bưu điện miền Nam và Đảng đoàn Tổng cục Bưu điện TW, Tổng cục Bưu điện ra các quyết định thành lập một số đơn vị trực thuộc đặt tại TP Hồ Chí Minh: Công ty công trình III, Trung tâm Bưu chính – PHBC, Trung tâm Viễn thông, Trung tâm Bưu điện I, Xí nghiệp sửa chữa các thiết bị Bưu điện, Đài Kiểm soát thông tin VTĐ… Các trường chuyên nghiệp Bưu điện cũng được thành lập làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng kỹ thuật nghiệp vụ cho CBCNV như: Trường công nhân Bưu điện, trường Bổ túc văn hóa tại Thủ Đức, trường Bưu điện tại TP Hồ Chí Minh, trường Công nhân Bưu điện III tại Mỹ Tho… Để chuẩn bị thống nhất mạng lưới thông tin bưu chính toàn quốc, ngày 14/5/1976, UBND cách mạng TP Hồ Chí Minh quyết định thành lập Bưu điện TP Hồ Chí Minh trực thuộc UBND cách mạng thành phố, chịu sự lãnh đạo của Thành ủy và Ủy ban đồng thời chịu sự lãnh đạo chỉ đạo về nghiệp vụ chuyên môn của ngành Bưu điện cấp trên.

Từ cuối năm 1975, thực hiện Nghị quyết 24 của TW Đảng về việc nhập tỉnh, ngành Bưu điện đã tích cực xúc tiến những công việc cần thiết cho việc quản lý thống nhất toàn Ngành trong phạm vi cả nước. Từ 2-7/8/1976, Hội nghị cán bộ bàn về thống nhất quản lý ngành Bưu điện Nam-Bắc được mở tại TP Hồ Chí Minh do đ/c Trần Quang Bình – Tổng cục trưởng chủ trì. Sau Hội nghị, Ngành đã tiến hành một số công việc cấp thiết để hoàn thiện thống nhất trong cả nước. Ngày 1/7/1976, đ/c Trần Quang Bình nghỉ hưu. Ngày 13/7/1976 Chính phủ cử đ/c Phạm Niên, Đại tá tư lệnh – Bộ Tư lệnh Thông tin (Bộ Quốc phòng) sang giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện. Tổ chức bộ máy quản lý của Ngành tuy đã phát huy tác dụng nhất định trong cả giai đoạn lịch sử với chức năng bảo đảm thông tin liên lạc trong chiến đấu và sản xuất nhưng khi cả nước chuyển sang giai đoạn xây dựng CNXH, bộ máy của Ngành từ trên xuống đã bộc lộ nhiều mặt còn yếu kém, chưa hợp lý cần được hoàn thiện từng bước. Việc thay đổi tổ chức đòi hỏi phải thay đổi nền nếp quản lý, về nhận thức đầy đủ nhiệm vụ và quyền hạn, chức năng. Điều quan trọng là phải xây dựng một cơ chế quản lý hoàn chỉnh, phải xác định rõ hệ thống chức vụ nhằm đề cao chức trách, ổn định biên chế, sắp xếp cán bộ, phân công rành mạch thì mới phát huy tác dụng về mặt chỉ đạo thực hiện và nâng cao hiệu quả công tác. Vì vậy, năm 1978 Tổng cục ban hành một loạt quyết định quy định nhiệm vụ quyền hạn tổ chức bộ máy và quan hệ công tác của các Cục, Vụ, Viện, Ban như: Cục Bưu chính và PHBC, Cục Điện chính, Cục Vật tư, Cục Xây dựng cơ bản, Vụ Kế hoạch, vụ Kế toán – Thống kê, vụ Hợp tác quốc tế, viện Kinh tế quy hoạch, Ban bảo vệ… nhằm làm rõ hơn chức năng tham mưu cho Tổng cục trưởng đối với các cục, vụ, đồng thời xác định rõ chế độ chỉ huy khai thác, vận hành trên toàn mạng lưới.

Việc cải tiến, kiện toàn bộ máy tổ chức được thực hiện đã nâng cao tinh thần trách nhiệm của CBCNV. Tuy nhiên đây là nhiệm vụ mới mẻ và khó khăn nên không thể một thời gian ngắn có thể kết hợp tốt giữa quản lý hành chính kinh tế và sản xuất kinh doanh được. Để chống ỷ lại, dựa dẫm, đùn đẩy trách nhiệm, ngoài việc cải tiến, hoàn thiện tổ chức còn đòi hỏi thay đổi cả nề nếp quản lý và nhận thức đầy đủ về nhiệm vụ và quyền hạn, nhất là phải xây dựng một cơ chế quản lý hoàn chỉnh, xác định rõ hệ thống chức vụ, đề cao chức trách, ổn định biên chế, sắp xếp cán bộ, phân công rành mạch thì mới phát huy tác dụng về mặt chỉ đạo thực hiện và nâng cao hiệu quả kinh tế.

Ngày 02/11/1979, Hội đồng Chính phủ ra Nghị định 390/CP sửa đổi một số điều trong “Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Tổng cục Bưu điện”, điều lệ đã được ban hành kèm theo Nghị định 68/CP ngày 08/4/1975 của Hội đồng Chính phủ. Theo đó, hệ thống tổ chức Ngành được tổ chức gồm:

- Tổng cục Bưu điện

- Bưu điện tỉnh, thành, đặc khu

- Bưu điện huyện và tương đương

- Bưu điện xã và tương đương

Việc xác định hệ thống tổ chức tổ chức như trên là sự xác định có tính nguyên tắc và bền vững, đồng thời cũng xác định tổ chức quản lý theo 2 cấp là Tổng cục, các Bưu điện tỉnh, thành hoặc đơn vị trực thuộc. Trên cơ sở đó, Ngành đã tập trung vào việc kiện toàn bộ máy quản lý của Tổng cục và các Bưu điện tỉnh, thành. Ngoài  ra Nghị định cũng sửa đổi chức năng nhiệm vụ của một số tổ chức của Tổng cục như: chuyển Cục Điện chính thành vụ Điện chính, giải thể Cục Vật tư và thành lập Công ty Vật tư, đổi tên Viện Kinh tế và Quy hoạch Bưu điện thành Viện Kinh tế Bưu điện. Nhiệm vụ quy hoạch do Vụ Kế hoạch đảm nhiệm, chuyển Cục Quản lý xây dựng cơ bản thành Vụ Xây dựng cơ bản nhằm tăng cường chức năng quản lý Nhà nước của Tổng cục. Nghị định nêu rõ ngành Bưu điện là một ngành sản xuất đặc biệt không giống một ngành sản xuất nào khác, sản phẩm của Bưu điện không như các sản phẩm hàng hóa có thể trao đổi trên thị trường. Do đó chất lượng thông tin đòi hỏi nghiêm khắc, coi chất lượng là linh hồn của sản phẩm thông tin. Mục tiêu phấn đấu về chất lượng là “Nhanh chóng, chính xác, an toàn và tiện lợi”.

Đi đôi với việc cải tiến và kiện toàn tổ chức, Ngành tập  trung vào việc bổ sung cán bộ cho các đơn vị, trong đó lựa chọn những cán bộ có khả năng về kỹ thuật nghiệp vụ, công nhân lành nghề bổ sung chi viện cho các tỉnh phía Nam. Nhờ đó, so với trước năm 1976, cán bộ nhân viên Bưu điện có nhiều tiến bộ về từng mặt, bước đầu phát huy được thế mạnh.

 

2. Phát triển và mở rộng hệ thống đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ

Là một ngành kinh tế-kỹ thuật đòi hỏi chất lượng cao, mọi hoạt động phải ăn khớp, nhịp nhàng và thống nhất, vì vậy việc xây dựng đội ngũ phải quan tâm đặc biệt để phát huy thế mạnh vật chất trong đó con người là vốn quý nhất. Vì vậy, bước vào thực hiện nhiệm vụ kế hoạch 5 năm (1976-1980), lãnh đạo Ngành đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ bằng việc củng cố, tăng cường cơ sở vật chất cho các trường đại học, trung cấp, công nhân của Ngành ở miền Bắc, thành lập các trường văn hóa, kỹ thuật nghiệp vụ ở miền Nam để đào tạo, bổ túc văn hóa nghiệp vụ cho CBCNV và giao cho các đơn vị mở những lớp đào tạo ngay tại đơn vị. Về đào tạo cán bộ chuyên môn có trình độ cao đẳng và đại học, đào tạo chủ yếu bằng hình thức mở các lớp chuyên tu và hàm thụ nhằm khuyến khích và đẩy mạnh phong trào học tập tại chức… Nhờ có các biện pháp tích cực và thiết thực nên trong 5 năm (1976-1980), công tác đào tạo đã tăng cường cho Ngành hàng ngàn cán bộ đại học, trung cấp và công nhân.

 

II.    Tận dụng, tập trung củng cố và cải tạo, nâng cao chất lượng mạng lưới thông tin liên lạc trong cả nước

 

1.    Thực trạng thông tin liên lạc ở 2 miền Nam-Bắc sau năm 1975

Sau năm 1975, thực trạng cơ sở vật chất kỹ thuật của mạng lưới thông tin cả nước rất nghèo nàn, lạc hậu, lại bị tàn phá nặng nề do chiến tranh. Do đó, năng lực phục vụ bất cập so với nhu cầu của toàn xã hội. Mạng lưới thông tin phát triển không đều, lại chưa hình thành mạng quốc gia thống nhất. Trong khi đó lại tồn tại nhiều mạng cục bộ của nhiều ngành, địa bàn nông thôn và miền núi hầu như chưa có mạng lưới thông tin.

 

2.    Củng cố, cải tạo và thống nhất mạng lưới thông tin liên lạc

Bước vào giai đoạn mới, nhiệm vụ của ngành Bưu điện hết sức nặng nề, vừa phải khắc phục hậu quả chiến tranh tàn phá ác liệt, vừa phải xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của mạng lưới thông tin liên lạc thống nhất trong cả nước tiến lên hiện đại. Để thực hiện kế hoạch nâng cao chất lượng thông tin, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, toàn Ngành tập trung củng cố, cải tạo và mở rộng mạng lưới.

Về mạng lưới điện chính: Tập trung bảo dưỡng, củng cố, cải tạo, chuyển dịch mạng lưới theo các đầu mối hợp nhất tỉnh. Mặc dù phải thi công với một khối lượng rất lớn trong điều kiện còn hạn chế nhiều mặt, nhưng do có sự tập trung chỉ đạo, động viên mọi tiềm lực về lao động, vật tư, kịp thời chuyển biến về tổ chức và quản lý nên đã giải quyết các yêu cầu bức thiết kịp thời. Ngoài việc phát triển mạng lưới điện thoại và các tuyến đường trục, hệ thống thông tin phục vụ cho kinh tế cũng được phát triển như: mạng thông tin phục vụ thăm dò dầu khí, địa chất, mạng thông tin duyên hải cũng được đưa vào hoạt động. Mạng thông tin vô tuyến vi ba được củng cố và phát triển hỗ trợ đắc lực cho thông tin hữu tuyến đáp ứng tốt cho yêu cầu liên lạc vào phía Nam và quốc tế. Phục vụ cho công tác khí tượng và in báo Nhân dân, 4 máy thu phát vô tuyến công suất lớn và hàng trăm máy vô tuyến loại công suất nhỏ, máy bộ đàm phục vụ cho chống bão lụt, thủy lợi, giao thông vận tải, thống kê, Hóa chất, Ngoại thương, Nông nghiệp… và biên giới được đưa vào sử dụng. Cũng trong thời gian này, hệ thống thông tin phục vụ đường sắt cũng được hình thành. Ngày 02/01/1976, Tổng cục quyết định thành lập Ban chỉ đạo xây dựng công trình thông tin điện thoại phục vụ tuyến đường sắt phía Nam. Ban có nhiệm vụ điều hòa mọi hoạt động kinh tế kỹ thuật, tổ chức thi công… kể cả lực lượng ngoài Ngành thi công công trình để giải quyết kịp thời các vấn đề có liên quan, đảm bảo thời gian hoàn thành do Nhà nước quy định.

Mặc dù có những khó khăn mới nhưng Ngành đã phát huy tinh thần tự lực tự cường, tận dụng 3 thế mạnh là lao động, cơ sở vật chất kỹ thuật và hợp tác quốc tế, đẩy mạnh tốc độ xây dựng và phát triển để từ đó hình thành mạng lưới Bưu điện trong phạm vi cả nước, từng bước phát triển đồng bộ hợp lý theo hướng hiện đại hóa. Ngày 25/1/1979, Ban kiến thiết các công trình thông tin Bưu điện do nước ngoài viện trợ được thành lập. Trong đó ngoài các công trình điện thoại tự động, điện thoại di động, cáp đồng trục, thông tin viba và nhà máy sản xuất điện thoại tự động còn có công trình trạm mặt đất thông tin vệ tinh Hoa Sen I do Liên Xô giúp đỡ xây dựng và đến tháng 7/1980  trạm Hoa Sen được chính thức hoạt động.

Về bưu chính-PHBC: Từ đầu năm 1976, Tổng cục chỉ đạo từng bước đưa sản xuất bưu chính-PHBC ở cơ sở đi vào nề nếp, mở thêm nhiều bưu cục trên toàn quốc, hệ thống đường thư vận chuyển bưu chính được mở rộng và sắp xếp hợp lý. Ngày 11/3/1976, Ban bí thư và Hội đồng Chính phủ ra quyết định chính thức giao công tác truyền báo cho ngành Bưu điện, từ đó  việc tổ chức in báo Nhân dân tại Tp Hồ Chí Minh được in cùng ngày với Hà Nội. Ngày 02/9/1978 báo Nhân dân được in tại Đà Nẵng. Ngày 19/11/1976, đường thư trên biển giữa Hải Phòng – TP Hồ Chí Minh đã được triển khai, mở thêm một phương thức vận chuyển mới trong thông tin bưu chính – PHBC. Song song với mở rộng mạng lưới đường thư, khâu kiểm soát nghiệp vụ được tăng cường và thực hiện nghiêm túc, các khâu khai thác thực hiện có nhiều tiến bộ, khớp với hành trình đường thư. Công tác chuyển tiền, phát hành tem có nhiều cố gắng mới. Công tác PHBC cũng được mở rộng trong cả nước

Về quan hệ bưu chính quốc tế, năm 1975 ta mới quan hệ với 21 nước, đến hết năm 1976 ta đã chính thức quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với 154 nước trên thế giới và khu vực. Ngoài bưu cục ngoại dịch ở Hà Nội, Tổng cục thành lập thêm bưu cục ngoại dịch ở TP Hồ Chí Minh.

Nhìn chung mạng lưới thông tin Bưu điện đã đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc cấp thiết trước mắt nhưng chất lượng còn thấp và chưa cân đối. Mạng lưới bưu chính phát triển rộng nhưng mặt bằng và phương tiện khai thác rất thiếu thốn.

 

III.    Xây dựng hệ thống thông tin bưu điện phục vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc

 

1.     Bảo đảm thông tin liên lạc trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam

Trong khi nhân dân ta ra sức khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng cuộc sống mới thì ở một số vùng biên giới Tây Nam, lực lượng phản động Pôn Pốt liên tiếp lấn chiếm pháo kích gây cho ta nhiều thiệt hại. Lãnh đạo Ngành đã chỉ đạo các Bưu điện TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh phối hợp với thông tin quân đội củng cố đường dây hữu tuyến ra biên giới:  sẵn sàng chuẩn bị các loại phương tiện, vật tư, liên lạc chặt chẽ với các đơn vị biên phòng và bộ chỉ huy quân sự tỉnh, huyện trên toàn tuyến biên giới Tây Nam, bảo đảm sẵn sàng chiến đấu. Các mạng thông tin VTĐ, hữu tuyến điện và thông tin bưu chính đều đảm bảo liên lạc thông suốt phục vụ các cấp ủy Đảng, chính quyền chỉ đạo, chỉ huy lực lượng vũ trang và nhân dân ta tiến công tiêu diệt địch, bảo vệ sản xuất, bảo vệ nhân dân. Trong việc bảo đảm thông tin liên lạc trong chiến tranh biên giới Tây Nam, CBCNV toàn Ngành Bưu điện đã lập được nhiều thành tích, đặc biệt trong việc giúp nước bạn Căm-pu-chia triển khai nhanh chóng đường điện báo giữa Hà Nội – TP Hồ Chí Minh – Phnômpênh phục vụ kịp thời cho việc mở phiên tòa đặc biệt xét xử bọn Pôn pôt-Iêngxary và giúp bạn tổ chức đài duyên hải tại cảng Kompongxom, tạo điều kiện để tàu các nước đưa hàng đến Căm-pu-chia.

 

2.    Bảo đảm thông tin liên lạc trong chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc

Trong khi cuộc chiến đấu ở biên giới Tây Nam diễn ra ác liệt thì ở biên giới phía Bắc, tình hình lại trở nên căng thẳng, lãnh đạo Tổng cục Bưu điện vừa lo xây dựng mạng lưới thông tin ở phía Nam, vừa gấp rút triển khai kế hoạch xây dựng mạng lưới liên lạc ở biên giới phía Bắc, vừa triển khai mạng thông tin phục vụ việc đưa đón người Hoa ra đi có trật tự. Tại các tỉnh biên giới phía Bắc, thông tin điện thoại, điện báo bằng đường dây hữu tuyến, vô tuyến sóng ngắn được bảo đảm. Mạng bưu chính nông thôn ở các xã biên giới được ưu tiên hàng đầu, hành trình đều đặn đảm bảo các chuyến thư từ TW đi các tỉnh.

Cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trên tuyến biên giới phía Bắc tuy địch có gây cho ngành Bưu điện nhiều thiệt hại về người và của, nhưng một lần nữa truyền thống dũng cảm, kiên cường, trung thành của người công nhân Bưu điện lại được phát huy, giữ vững thông tin liên lạc phục vụ lãnh đạo, phục vụ chiến đấu, phục vụ nhân dân.

 

IV.    Mở rộng quan hệ và hợp tác quốc tế, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học kỹ thuật, phát triển công nghiệp bưu điện, tăng cường quản lý Nhà nước

 

1.     Mở rộng quan hệ và hợp tác quốc tế

Từ chiến tranh chuyển sang hòa bình, từ đất nước bị chia cắt tiến lên thống nhất cả nước, nhu cầu mọi mặt đòi hỏi rất lớn. Mặc dù có những khó khăn mới, Ngành đã phát huy tinh thần tự lực tự cường, tận dụng 3 thế mạnh là lao động, cơ sở vật chất kỹ thuật và sự hợp tác quốc tế để đẩy mạnh tốc độ xây dựng và phát triển.

Năm 1976, Tổng cục Bưu điện đã chính thức tham gia 2 tổ chức quốc tế: Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) và Liên minh Viễn thông Thế giới(ITU). Việc trở thành hội viên UPU và ITU phải tiến hành 2 giai đoạn: Cộng hòa miền Nam Việt Nam thay thế hội viên của UPU và ITU của ngụy quyền Sài Gòn, sau đó Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam kế thừa Cộng hòa miền Nam Việt Nam vào 2 tổ chức này. Ngoài việc chính thức tham gia 2 tổ chức, năm 1976, Tổng cục Bưu điện cũng tăng cường và mở rộng quan hệ quốc tế với một số nước. Nhờ mở rộng quan hệ nghiệp vụ Bưu điện quốc tế nên đã tạo điều kiện cho việc phục vụ quan hệ kinh tế, ngoại giao và hợp tác khoa học kỹ thuật của Nhà nước được tốt hơn, đồng thời tác động tốt đến mặt kinh doanh của Ngành.

Về quan hệ hợp tác kinh tế kỹ thuật với nước ngoài, ngành Bưu điện đã tập trung nhiều công sức, tăng cường hoạt động và thu được kết quả tốt. Được phép của Chính phủ, Ngành đã mở rộng quan hệ hợp tác với các hãng sản xuất thiết bị các nước tư bản như: Pháp, Thụy Điển, Nhật, Thụy sĩ… để tìm hiểu kỹ thuật tiên tiến và khả năng hợp tác song phương.

 

2.    Đẩy mạnh nghiên cứu KHKT

Bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm (1976-1980), nhận thức được “đẩy mạnh công tác KHKT sẽ giúp chúng ta xóa bỏ nhanh tình trạng nghèo nàn lạc hậu, rút ngắn thời gian xây dựng CNXH”, Ngành đã tổ chức tổng kết, đánh giá những thành tích  trong công tác KHKT năm 1976 thông qua việc đánh giá kết quả thực hiện các đề tài KHKT đã triển khai. Nhiều đề tài về tiến bộ kỹ thuật đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, công tác KHKT ngày càng gắn chặt hơn với kế hoạch sản xuất, xây dựng và phát triển mạng lưới. Trong kế hoạch 1976-1980, hàng trăm đề tài cấp Nhà nước, cấp Ngành, cấp cơ sở trong toàn Ngành đã được thực hiện. Tuy nhiên những hoạt động KHKT cũng còn một số tồn tại, chưa có chương trình nghiên cứu và áp dụng KHKT lớn, nhằm tập trung giải quyết những vấn đề cơ bản một cách đồng bộ và toàn diện. Việc đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và mạng lưới chưa được nghiên cứu kỹ để giải quyết đồng bộ các khâu chế độ, chính sách, quy chế quản lý. Do đó chưa tạo ra được quá trình khép kín từ khâu chọn đề tài nghiên cứu đến khâu đưa vào sử dụng.

 

3.     Phát triển công nghiệp Bưu điện

Sau chiến tranh, ngành công nghiệp thông tin của ta còn non yếu, khả năng chỉ đáp ứng được một phần yêu cầu sản xuất và phát triển mạng lưới, hơn 80% thiết bị, phụ tùng phải nhập từ nước ngoài, do đó việc phát triển công nghiệp thông tin đã trở thành yêu cầu rất cấp bách.

Giai đoạn này, Ngành phải đảm đương cùng lúc nhiều nhiệm vụ nặng nề và cấp bách. Vừa phải đảm bảo thông tin thông suốt phục vụ sản xuất chiến đấu, vừa khắc phục hậu quả của mạng lưới sau chiến tranh, vừa làm nghĩa vụ quốc tế đối với 2 nước bạn Lào, Căm-pu-chia đồng thời phấn đấu hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ 2 (1976-1980). Trong hoàn cảnh cơ sở vật chất của khối công nghiệp thông tin chưa được tăng thêm nhiều, các cơ sở sản xuất công nghiệp của Ngành đề cao tinh thần chủ động, tích cực phát huy tính sáng tạo của CBCNV, củng cố, sắp xếp hợp lý các dây chuyền sản xuất, tận dụng khả năng hiện có, tận dụng phế liệu, tiết kiệm vật tư, tăng năng suất lao động nên đã sản xuất được một số mặt hàng phục vụ kịp thời cho sản xuất và sẵn sàng chiến đấu.

 

4.     Tăng cường quản lý Nhà nước

Cải tiến và tăng cường quản lý kinh tế là yêu cầu cấp thiết có tầm quan trọng lớn đối với nhiệm vụ thông tin Bưu điện. Nó đòi hỏi Ngành phải nhanh chóng và củng cố các mặt quản lý để sớm đưa vào nề nếp, khắc phục tệ nạn buông lỏng quản lý trong chiến tranh làm cho chất lượng thông tin giảm sút, ảnh hưởng đến kết quả thực hiện kế hoạch Nhà nước, chậm bước phát triển của Ngành.

Trước tiên là công tác quản lý kế hoạch: Trong kế hoạch 1976-1980, công tác kế hoạch hóa của Ngành ngày càng được cải tiến, đổi mới từng bước cả về nội dung và phương pháp theo hướng chỉ đạo của Nhà nước. Kế hoạch phát triển mạng lưới ở cơ sở bước đầu kết hợp được phương hướng phát triển của Ngành với yêu cầu phục vụ của địa phương, động viên được tinh thần phấn đấu khắc phục khó khăn, khai thác tiềm năng về vật chất và lao động ở cơ sở để củng cố, cải tạo phát triển mạng lưới, mở rộng diện phục vụ, nâng cao năng lực thông tin.

Công tác tài chính-vật tư: Tuy có nhiều khó khăn do diện quản lý rộng, năng lực quản lý còn hạn chế, hoàn cảnh cả nước còn sử dụng 2 loại tiền, nhưng ngay từ đầu năm 1976, việc quản lý tài chính của Ngành đã có nhiều cố gắng đi vào thống nhất thu chi trong cả nước, đảm bảo được cơ bản nguồn vốn cho các mặt hoạt động của Ngành; phấn đấu tăng thu, tận thu và vượt kế hoạch thu tại các tỉnh miền Bắc, giảm bù lỗ cho các tỉnh phía Nam để bước đầu đi vào hạch toán kinh tế, tiến tới cân bằng thu chi trong toàn Ngành là một yêu cầu được lãnh đạo Ngành chỉ đạo các đơn vị phải tích cực thực hiện.

Tuy nhiên, công tác quản lý tài chính cũng còn nhiều tồn tại. Nhiều nơi chưa nhận thức đúng và chưa có quyết tâm cao để chấp hành đúng các nguyên tắc, chế độ, thủ tục về tài chính. Hiện tượng cho vay mượn tùy tiện, chiếm dụng vốn của nhau, không thanh toán kịp thời công nợ còn xảy ra. Việc thu cước phí Bưu điện tại một số cơ sở làm chưa tốt, thất thu nhiều. Công tác hợp đồng kinh tế tuy có được chú ý, nhưng nhìn chung công tác chưa được chỉ đạo chặt chẽ…

Cùng với việc tăng cường và hoàn thiện công tác quản lý tài chính, công tác vật tư cũng từng bước được chấn chỉnh đi vào nề nếp. Mặc dù có nhiều khó khăn nhưng anh chị em làm công tác vật tư đã tìm mọi biện pháp khắc phục, đáp ứng yêu cầu của thông tin Bưu điện cả nước, vận chuyển vật tư thiết bị đến nơi xây dựng kịp thời, tổ chức lại hệ thống kho phù hợp với yêu cầu của tình hình.

Công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu tố: Ngay từ năm 1976, Tổng cục Bưu điện đã “kiện toàn hệ thống thanh tra từ Tổng cục đến các Bưu điện tỉnh, thành nhằm đẩy mạnh kiểm tra hoạt động ở các cơ sở, khẩn trương giải quyết khiếu tố, giảm bớt khiếu nại về nghiệp vụ Bưu điện nhằm góp phần nâng cao chất lượng thông tin”. Năm 1977, công tác xét đơn khiếu tố về chế độ chính sách và khiếu nại về nghiệp vụ Bưu điện đã được đẩy mạnh nên hạn chế được những phiền hà cho nhân dân và nâng cao chất lượng phục vụ của công tác thông tin liên lạc.

Thực hiện Nghị quyết số 228 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 20 của Ban Bí thư và Chỉ thị số 159-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chống các hiện tượng tiêu cực và xây dựng nề nếp quản lý chặt chẽ, Tổng cục đã khẩn trương, hướng trọng tâm vào việc ngăn chặn nạn lấy cắp tài sản, vật tư, tiền vốn và tệ nạn lấy cắp, đổi tráo nội dung bưu phẩm bưu kiện và tiền của nhân dân gửi qua Bưu điện. Trong công tác thanh tra kiểm tra, các Bưu điện tỉnh đã biết kết hợp chặt chẽ với cuộc vận động thực hiện Nghị quyết 228 và Chỉ thị số 81 của Ban Bí thư TW Đảng, bám sát các nhiệm vụ trọng tâm của Ngành, góp phần hạn chế các mặt tiêu cực, đảm bảo cho việc chấp hành chính sách, chế độ và pháp luật trong Ngành được đúng đắn hơn.

Đấy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất và tăng gia cải thiện đời sống: Là Ngành có phong trào cách mạng quần chúng có truyền thống nhiều năm, nay được hướng vào các mục tiêu chủ yếu là đẩy mạnh sản xuất, nâng cao chất lượng thông tin và tăng cường công tác quản lý lại càng có dịp phát huy cao độ. Ngay từ đầu năm 1976, các cơ sở trong Ngành đã liên tục phát động nhiều đợt thi đua với nội dung, biện pháp cụ thể lập thành tích chào mừng những ngày kỷ niệm lịch sử của đất nước. Qua 5 năm, phong trào thi đua với điển hình tiên tiến trong Ngành còn là một cuộc đấu tranh  rộng khắp chống những biểu hiện tiêu cực trong sản xuất và quản lý, chống những biểu hiện về tư tưởng và lề thói làm việc tự do tùy tiện của người sản xuất. Đi đôi với việc đẩy mạnh sản xuất, phong trào thi đua đã động viên CBCNV đẩy mạnh tăng gia sản xuất để tự cải thiện đời sống.

Kết thúc kế hoạch 5 năm lần thứ 2 (1976-1980), vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, thử thách, CBCNV ngành Bưu điện đã ghi tiếp vào lịch sử vẻ vang của mình những chiến công mới. Với những nỗ lực củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống thông tin Bưu điện trên cả nước, Ngành đã tạo ra lực lượng sản xuất mới, đội ngũ lao động được phân bổ lại hợp lý hơn, năng lực phục vụ mạng lưới được nâng lên nhanh. Do đó đã tạo ra điều kiện vật chất để động viên sản xuất, phát huy thắng lợi lớn hơn trong sản xuất.

Những kết quả đạt được về các mặt hoạt động của Ngành trong 5 năm là cơ sở thực tiễn khẳng định sự đúng đắn của quá trình nhận thức và vận dụng đúng đường lối chủ trương của Đảng vào công tác Bưu điện, là sự đánh giá tiến bộ về tổ chức thực hiện nhiệm vụ công nghiệp hóa XHCN thuộc phạm vi công tác Bưu điện.