Tăng cường hiện đại hóa mạng lưới thông tin bưu điện, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ bưu chính viễn thông, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của toàn xã hội (1991-1995)
Đại hội Đảng lần thứ 7 đã chỉ ra định hướng lớn cho ngành Bưu điện
”Phát triển kết cấu hạ tầng, sớm khắc phục tình trạng xuống cấp, mở rộng và hiện
đại hóa có trọng điểm mạng lưới giao thông vận tải… Tiếp tục hiện đại hóa mạng
lưới bưu điện quốc tế và trong nước, phủ sóng PTTH khắp cả nước, phát triển
ngành sản xuất thiết bị bưu điện”. Thực hiện đường lối phát triển đó, Ngành đã
cố gắng vượt bậc, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành toàn diện nhiệm vụ công
tác thông tin giai đoạn 1991-1995 nhằm mục tiêu “Hiện đại hóa và nâng cao năng
lực bưu điện quốc tế và trong nước, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt từ
nông thôn, miền núi, hải đảo; chú trọng xây dựng công nghiệp sản xuất thiết bị
bưu điện”. Với quyết tâm thực hiện mục tiêu trên, lãnh đạo Ngành đã tìm mọi biện
pháp đổi mới công nghệ, trang thiết bị, đi thẳng vào công nghệ hiện đại theo hướng
số hóa, tự động hóa trên mạng lưới BCVT. Đồng thời với quá trình chuyển dịch cơ
cấu là quá trình chuyển đổi cơ chế và tổ chức quản lý kinh tế từ bao cấp sang hạch
toán kinh doanh, phát huy được tiềm lực sẵn có giúp CBCNV tiếp thu kỹ thuật mới,
nâng cao quy mô vốn đầu tư, nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất kinh
doanh. Chỉ trong một thời gian ngắn, mạng lưới BCVT được thay đổi căn bản từ mạng
Analog sang mạng kỹ thuật số Digital, hòa nhập được với kỹ thuật, công nghệ
tiên tiến của thế giới, đảm bảo thông tin tự động trong nước và quốc tế, góp phần
giữ vững an ninh, quốc phòng, phục vụ dân sinh và nâng cao dân trí, đóng góp
tích cực cho sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước theo định
hướng XHCN.
I. Phát triển
mạng lưới bưu điện theo hướng hiện đại hóa và đa dịch vụ
1. Nâng
cao chất lượng thông tin bưu chính
Những biến động quốc tế năm 1991 khiến cho kinh tế của đất nước
rơi vào tình trạng khó khăn đã tác động trực tiếp tới hoạt động SXKD của Ngành.
Sản lượng một số dịch vụ bưu chính giảm, số lượng PHBC giảm sút. Trước tình
hình đó, Tổng công ty BCVT đã chỉ đạo các Bưu điện tỉnh, thành, đặc khu, công
ty VPS chủ động nắm tình hình dự báo lực lượng và có biện pháp sắp xếp điều chỉnh
mạng bưu cục, tổ chức lại các khâu khai thác vận chuyển cho phù hợp để vừa bảo
đảm chất lượng phục vụ, vừa đạt hiệu quả trong SXKD. Công tác PHBC đã thể hiện
rõ ý thức cảnh giác cách mạng cao đã phát hiện ngăn chặn kịp thời những tài liệu,
báo chí phản động từ nước ngoài chuyển về qua đường bưu điện.
Về các dịch vụ bưu chính như EMS, chuyển tiền trong nước và quốc
tế được mở rộng và phát triển nhanh. Các bưu cục được tăng cường cơ sở vật chất,
đầu tư cải tạo, nâng cấp tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng. Một số bưu
cục được trang bị máy vi tính để giao dịch. Hai trung tâm chia chọn quốc gia tại
Hà Nội và TP Hồ Chí Minh được đầu tư xây dựng, mạng bưu chính liên tỉnh được
trang bị 20 ô tô chuyên dụng. Phong trào thi đua “Giao dịch viên duyên dáng và
kinh doanh giỏi” phát triển đưa lại hiệu quả thực tế trong kinh doanh. Phong
trào phấn đấu trở thành bưu cục triệu phú được nhân rộng đã xuất hiện nhiều bưu
cục tỷ phú trong Ngành.
2. Nâng cao chất lượng viễn thông và kỹ thuật
PTTH
Hiện đại hóa hệ thống truyền dẫn và chuyển mạch là một trong những
vấn đề cơ bản của Ngành. Lãnh đạo Ngành đã quyết tâm thiết lập mạng viễn thông
hiện đại (cả truyền dẫn và chuyển mạch, cả đường dài và nội hạt). Ngành đã thực
hiện bằng biện pháp đầu tư mới kết hợp với điều chuyển thiết bị trên mạng.
Về phát triển mạng viễn thông quốc tế, sử dụng hoàn toàn kênh vệ
tinh Interlsat, Intersputnik có độ tin cậy cao. Thông tin di động đang trong
giai đoạn thử nghiệm. Năm 1991, lãnh đạo Ngành có chủ trương chuyển mạnh từ kỹ
thuật tương tự sang kỹ thuật số cả về truyền dẫn và chuyển mạch.
Về kỹ thuật PTTH: Trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn khó
khăn, Ngành đã huy động vốn của Ngành đầu tư, củng cố, nâng cấp về chất lượng,
cơ sở vật chất kỹ thuật các đài phát sóng PTTH, các tuyến trung kế truyền dẫn
tín hiệu…, đồng thời Ngành khẩn trương giải quyết yêu cầu phủ sóng truyền hình
qua vệ tinh Intersputnik cho các tỉnh miền núi, đảo Trường Sa phục vụ kịp thời
trước khi Đại hội Đảng lần thứ 7.
Năm 1991, trong hoàn cảnh khó khăn về vốn, Tổng công ty BCVT Việt
Nam và các chủ đầu tư công trình đã ứng vốn trước từ các nguồn để triển khai
công trình đúng tiến độ, nhất là các công trình chuyển tiếp của năm trước, tập
trung đầu tư mới các công trình chuyển mạch, truyền dẫn, sản xuất khai thác bưu
chính và tiếp nhận công nghệ sản xuất, lắp ráp thiết bị viễn thông hiện đại. Nhờ
đó, kết quả năm 1991, hàng loạt công trình được hoàn thành đưa vào sử dụng,
phát huy được hiệu quả, mạng BCVT được phát triển hiện đại, năng lực chất lượng
có tiến bộ rõ rệt đáp ứng tốt hơn yêu cầu thông tin bưu điện, PTTH trong nước
và quốc tế, phục vụ kịp thời các yêu cầu chính trị, an ninh, quốc phòng, ngoại
giao, phục vụ vùng biên giới, phòng chống bão lụt và kinh doanh.
3. Phát
triển công nghiệp thông tin theo hướng hiện đại hóa
Năm 1991, Ngành đã quan tâm hỗ trợ vốn và có định hướng cụ thể
cho các nhà máy, xí nghiệp chủ động trong SXKD. Do đó các nhà máy, xí nghiệp đã
sắp xếp lực lượng lao động, giải quyết số lao động dôi dư, tổ chức sản xuất,
năng động tiếp cận thị trường. Những cố gắng đó dẫn tới kết quả sản xuất ổn định
hơn năm 1990 thể hiện sự vươn lên thích ứng với cơ chế mới, nâng giá trị các sản
phẩm phục vụ Ngành nhiều hơn.
4. Cơ
chế tổ chức tiếp tục được hoàn thiện
Để tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động của Tổng công ty, ngày
22/10/1991, Bộ Giao thông vận tải và Bưu điện ra Quyết định số
2122-QĐ/TCCB-LĐ, kèm theo bản “Quy định tạm thời về cơ chế hoạt động của Tổng
công ty BCVT Việt Nam”. Theo cơ chế này, Tổng công ty là đơn vị sản xuất kinh
doanh chịu sự quản lý của Nhà nước trực tiếp từ Bộ Giao thông vận tải và Bưu điện,
đồng thời chịu sự quản lý Nhà nước của các Bộ, các Ủy ban Nhà nước khác về những
vấn đề có liên quan. Để đổi mới cơ chế quản lý, Ngành đã có phương án đề xuất
Chính phủ cho làm thí điểm đổi mới cơ chế quản lý nhà nước và quản lý sản xuất.
Đến cuối năm 1991, tuy chưa có những giải pháp mong muốn nhưng những nỗ lực
nghiên cứu đề xuất của Ngành và thực tiễn hoạt động của Tổng công ty cũng như
các đơn vị cơ sở theo tổ chức mới đã có tác động nhất định đối với các cơ quan
quản lý Nhà nước từ TW đến địa phương.
Năm 1991, Tổng công ty BCVT Việt Nam đã tập trung triển khai kiện
toàn tổ chức quản lý SXKD nội bộ, chỉ đạo các công ty dọc: VTI, VPS, VTN đi vào
hoạt động ổn định, phát huy hiệu quả, có quy định cụ thể mối quan hệ phạm vi
trách nhiệm giữa các công ty với Bưu điện tỉnh thành, từng bước khắc phục những
biểu hiện cục bộ, thiếu phối hợp trong quá tình hình thành tổ chức mới. Tổng
công ty đã thành lập Ban Thông tin Kinh tế- Kỹ thuật, chuyển tổ chức Văn phòng
B (phía Nam) thành Ban đại diện của Tổng công ty. Phong cách làm việc của các
Ban, Văn phòng Tổng công ty đã có nhiều đổi mới, tiến bộ, vừa nhanh nhạy, vừa
sát cơ sở, hoạt động có hiệu quả hơn, khắc phục được tình trạng làm việc theo lề
lối quan liêu bao cấp trước đây.
Công tác cán bộ của Ngành cũng được quan tâm đúng mức theo hướng
trẻ hóa, tiêu chuẩn hóa cán bộ lãnh đạo từ Tổng công ty đến các cơ sở, quan tâm
bồi dưỡng cán bộ nữ, vừa giải quyết lao động dôi dư, vừa hợp đồng tuyển dụng mới
những lao động trẻ có trình độ đáp ứng yêu cầu phát triển, đổi mới và hiện đại
hóa công nghệ. Trong năm 1991 đã tiến hành bồi dưỡng, kiểm tra sát hạch trình độ
và bổ nhiệm lại các kế toán trưởng của các đơn vị trong Ngành…
5. Về
cơ chế kế hoạch hóa, hạch toán và giá cước
Ngành tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện cơ chế kế hoạch hóa, hạch
toán và giá cước. Từ quý 3/1991 Ngành đã thực hiện trọn vẹn hạch toán chi cho
các đơn vị sự nghiệp như y tế, đào tạo, điều dưỡng không phải xin Nhà nước cấp.
6. Hợp tác quốc tế
Hợp tác quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh. Nhiều hãng của Chính phủ,
phi chính phủ và tư nhân là Việt kiều ở các nước tăng cường thăm dò và mong muốn
hợp tác với Bưu điện Việt Nam. Trong quá trình hợp tác chúng ta có điều kiện lựa
chọn, vừa đảm bảo hai bên cùng có lợi, vừa đảm bảo chủ quyền an ninh quốc gia.
Qua 5 năm hợp tác quốc tế, Ngành đã rút ra được những bài học
kinh nghiệm, khẳng định hướng đi trong lĩnh vực hợp tác quốc tế trong những năm
tới là tiếp tục mở rộng, phát triển các mối quan hệ song phương và đa phương,
chấn chỉnh và đưa công tác hợp tác quốc tế đi vào nền nếp chặt chẽ hơn, nâng
cao chất lượng và hiệu quả trong các hoạt động hợp tác quốc tế nhằm phục vụ cho
mục tiêu chiến lược phát triển kỹ thuật, hiện đại hóa thông tin bưu điện, phát
triển mở rộng các dịch vụ BCVT quốc tế.
7. Nghiên cứu ứng dụng tiến bộ KHKT
Công tác nghiên cứu khoa học và quản lý KHKT được xúc tiến khẩn
trương. Trong điều kiện kinh phí dành cho KHKT có hạn, Ngành đã chọn lọc và tập
trung kinh phí cho các đề tài nghiên cứu KHKT thiết thực nhất phục vụ mạng lưới
BCVT. Các đề tài có tính thực tiễn được ứng dụng mang lại hiệu quả cao, tiết kiệm
chi phí hàng tỷ đồng.
8. Công
tác thanh tra, kiểm tra
Công tác thanh tra kiểm tra được quan tâm thường xuyên và triển
khai toàn diện các mặt quản lý, kỹ thuật, nghiệp vụ, tài chính, chính sách cán
bộ…. giúp phát hiện, chấn chỉnh những sai sót, yếu kém của cơ sở, kết luận xử
lý những vụ việc khiếu nại tố cáo của CBCNV, của nhân dân đối với một số tập thể,
cá nhân có vi phạm.
9. Công
tác thông tin tuyên truyền và chính sách xã hội
Trước những biến động về chính trị trên thế giới và những khó
khăn về kinh tế xã hội trong nước, Ngành hết sức quan tâm đến công
tác chính trị tư tưởng của Đảng, Đoàn, công đoàn. Các cơ sở thông tin quan trọng,
các đài phát sóng PTTH, các cơ quan đơn vị, xí nghiệp trong Ngành thường xuyên
chăm lo đến công tác bảo vệ nội bộ.
Năm 1991, Tổng công ty BCVT Việt Nam có nhiều hình thức hoạt
động thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để giới
thiệu các công trình thông tin, các dịch vụ, giải đáp những băn khoăn, thắc mắc
của khách hàng về giá cước, chất lượng dịch vụ… qua đó dư luận xã hội hiểu và ủng
hộ cho ngành Bưu điện nhiều hơn.
Các phong trào thi đua đã khiến CBCNV thực sự nỗ lực phấn đấu thực
hiện các nhiệm vụ, nêu cao tinh thần tổ chức kỷ luật, giữ nghiêm kỷ cương, phát
huy dân chủ, hợp tác giúp đỡ nhau, mạnh dạn đổi mới, khắc phục biểu hiện cục bộ,
mất đoàn kết, lơ là mất cảnh giác, chống mọi biểu hiện tiêu cực, quyết tâm giữ
vững ổn định mọi mặt để tiếp tục phát triển Ngành ngày một hiện đại hơn. Những
năm qua, Ngành có nhiều biện pháp cụ thể chăm lo dời sống CBCNV, tăng cường cơ
sở vật chất, phương tiện khám chữa bệnh cho các viện điều dưỡng, bệnh viện, thực
hiện chu đáo chính sách đối với các thương binh, gia đình liệt sĩ, các gia đình
và cán bộ có công với cách mạng, với Ngành, cán bộ hưu trí, do đó tăng cường
tình cảm gắn bó giữa các thế hệ trong Ngành….
II. Tăng tốc độ phát triển, hiện đại hóa mạng
lưới bưu điện, nâng cao trình độ quản lý, kỹ thuật, nghiệp vụ, khai thác tối đa
năng lực của mạng lưới
Bước vào năm 1992, nền kinh tế xã hội có những chuyển biến tích
cự bắt đầu đi vào xu thế ổn định và phát triển. Ngành Bưu điện tiếp tục nỗ lực
quyết tâm đổi mới, phát triển, hiện đại hóa trong SXKD và phục vụ. Để thực hiện
được mục tiêu trên, Ngành đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, giải
thích sâu rộng để CBCNV hiểu rõ mục đích, yêu cầu của cuộc vận động, tích cực
tham gia xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển, kinh doanh có hiệu quả,
phát huy trí tuệ, sáng tạo trên các lĩnh vực nhằm thực hiện thắng lợi kế hoạch
tăng tốc độ phát triển thông tin bưu điện năm 1993-1995.
1. Về
Bưu chính – PHBC
Ngành quan tâm đầu tư, cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới nhiều
nhà bưu cục, bưu điện huyện thị và đầu tư trang thiết bị, phương tiện vận chuyển
khai thác. Các Bưu điện tỉnh thành và một số bưu điện huyện được trang bị hiện
đại để quản lý và tổ chức giao dịch tại các bưu cục, phục vụ khách hàng nhanh
và chính xác hơn. Ở nhiều nơi mạng bưu cục được điều chỉnh sắp xếp lại, đồng
thời bãi bỏ những bưu cục hoạt động kém hiệu quả, chuyển vị trí hợp lý những điểm
giao dịch kém thuận tiện trong việc tiếp cận khách hàng…
Về các dịch vụ: dịch vụ EMS được phát triển, nâng cao chất lượng.
Các dịch vụ khác được chú trọng phát triển theo phương châm: “Tốc độ-Tiêu chuẩn-Tin
học”, các dịch vụ truyền thống tiếp tục được củng cố và tăng trưởng khá, nhất
là bưu phẩm ghi số quốc tế. Dịch vụ chuyển tiền đang là nhu cầu ngày càng tăng
của xã hội đã đáp ứng được việc giải quyết thiếu tiền mặt và nhu cầu của người
sử dụng dịch vụ.
Về PHBC: được quan tâm, cải thiện hơn trước bằng việc
củng cố, tăng cường và phát triển mở rộng mạng lưới đại lý, tăng cường bán báo
lẻ góp phần tích cực vào công tác chính trị tư tưởng trong tình hình mới.
Điểm nổi bật là từ năm 1993, nhiều bưu điện tỉnh, thành đã đưa
phong bì và tem thư có hồ dán sẵn vào sử dụng. Đây là một thay đổi căn bản
trong bưu chính, làm tăng cường đáng kể về chất lượng phục vụ và nâng cao uy
tín của Ngành đối với xã hội. Đến năm 1995, Bưu chính Việt Nam đã trực tiếp
trao đổi chuyến thư máy bay với hơn 60 nước trên thế giới và 130 nước khác có
trao đổi quá giang…
2. Về
mạng viễn thông –PTTH
Từ năm 1992, hệ thống chuyển mạch được hiện đại hóa bằng cách lắp
đặt tổng đài tự động điện tử kỹ thuật số, tổng đài tự động cơ điện tại các bưu
điện huyện thị. Chất lượng các loại tổng đài đều đạt tiêu chuẩn quốc tế. Về
truyền dẫn, các tuyến vi ba số băng hẹp thuộc mạng cấp I tăng 1,72 lần so với
năm 1991. Tính đến cuối năm 1993, mật độ điện thoại toàn quốc đạt 0,37máy/100
dân.
Ngày 03/4/1992, Ngành khởi công xây dựng công trình thông tin
cáp quang Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, tuyến thông tin này có nhiệm vụ: điện thoại,
điện báo, truyền số liệu, truyền dẫn tín hiệu PTTH. Tháng 3/1993 công trình được
đưa vào sử dụng có khả năng truyền từ 30-120 luồng thông tin cùng các tín hiệu
PTTH chất lượng cao.
Bên cạnh tuyến cáp quang xuyên Việt, tuyến vi ba số băng rộng 140Mbit/s
Hà Nội – TP Hồ Chí Minh, và các tuyến vi ba khác phía Bắc cũng được hoàn thành
vào cuối năm 1993… Như vậy, tính đến cuối năm 1993, mạng thông tin truyền dẫn
đã được số hóa toàn bộ đảm bảo quay số tự động đi liên tỉnh và quốc tế trong cả
nước, đây là mốc lịch sử đáng ghi nhớ trên con đường hiện đại hóa và là điều kiện
không thể thiếu của mạng viễn thông hiện đại, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn và
tương hợp với trình độ quốc tế, có khả năng mở mang nhiều loại hình dịch vụ
khác nhau.
Về kỹ thuật PTTH cũng được chú trọng, một số công trình truyền
hình màu được xây dựng và lắp đặt. Các công trình phát thanh sóng trung, sóng
FM được lắp đặt tại nhiều tỉnh. Việc tăng cường chất lượng và mở rộng khả năng
phủ sóng PTTH ở các khu vực được quan tâm thường xuyên. Từ năm 1993-1994, ngành
Bưu điện đã chuyển xong bộ phận kỹ thuật PTTH sang Truyền hình TW và Đài tiếng
nói Việt Nam quản lý.
Năm 1994, ngành Bưu điện tiếp tục hiện đại hóa mạng viễn thông với
phương châm phát triển nhanh, mở rộng dịch vụ. Mạng viễn thông quốc tế tiếp tục
được mở rộng qua các kênh vệ tinh đi quốc tế. Ngành chủ trương xây dựng thêm trạm
vệ tinh mặt đất Intelsat tiêu chuẩn A tại sông Bé, tuyến cáp quang biển Thái
Lan-Việt Nam- Hồng Kong được tiến hành khẩn trương và hoàn thành cuối năm 1995. Sự
phát triển mạng viễn thông quốc tế không những đáp ứng nhu cầu về kênh thông
tin mà còn đáp ứng yêu cầu cung cấp các dịch vụ mới quốc tế. Mạng nội hạt cũng
được đầu tư phát triển nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả kinh doanh.
Nhìn chung mạng lưới viễn thông đã có bước phát triển mạnh mẽ với
công nghệ tiên tiến, hiện đại tạo nên bước phát triển cho những năm kế tiếp,
nhưng so với các nước trong khu vực và thế giới chúng ta vẫn còn khoảng cách
khá xa về mật độ điện thoại, lưu lượng ít và diện phục vụ còn hẹp. Ngày
03/12/1995, Ngành đã hoàn thành kế hoạch tăng tốc độ phát triển viễn thông giai
đoạn 1 (1993-1995) đạt chỉ tiêu 1 máy/100 dân, về đích trước kế hoạch. Đây là một
thắng lợi chưa từng có trong lịch sử phát triển của Ngành từ trước đến nay.
3. Phát
triển công nghiệp thông tin theo hướng hiện đại hóa
Năm 1993, công nghiệp Bưu điện đã có những bước tiến mới theo hướng
đi thẳng vào công nghệ hiện đại. Từ nền sản xuất lắp ráp dạng CKD các trang thiết
bị viễn thông như vi ba số, tổng đài, máy điện thoại ấn phím… tiến tới thành lập
các xí nghiệp liên doanh với nước ngoài (Vinadeasung, Alcatel, Siemens,
Goldstar…) để sản xuất cáp thông tin, cáp dẫn quang, tổng đài điện tử… Ngành đã
củng cố nâng cấp, mở rộng nhà xưởng, trang bị thêm máy móc thiết bị cho một số
nhà máy, xí nghiệp… cũng từ đây bước đầu hình thành đội ngũ cán bộ kỹ thuật và
công nhân có trình độ tiếp nhận những dây chuyền công nghệ hiện đại trong sản
xuất.
Năm 1994, Ngành đã đẩy mạnh công nghiệp Bưu điện với phương châm
đi thẳng vào hiện đại và quy mô hợp lý, mở rộng hợp tác liên doanh, tiếp nhận
chuyển giao công nghệ. Bước đầu Ngành đã sản xuất được sản phẩm có chất lượng
cao đáp ứng đáng kể thị trường trong nước về phát triển viễn thông.
4. Về
xây dựng cơ bản
Năm 1993, Ngành đã thực hiện một khối lượng xây dựng cơ bản bao
gồm cả mạng lưới thông tin bưu điện, nhà trạm và bưu cục, do đó Ngành đã phải
phát huy năng động và khai thác mọi nguồn vốn từ ngân sách, vốn tự có, vốn vay
Nhà nước, vay nước ngoài…mới có đủ khả năng hoàn thành các công trình để đưa
vào sử dụng và khai thác trên mạng lưới BCVT. Trong năm 1995 công tác đầu tư
xây dựng cơ bản đã chủ động đề ra kế hoạch đầu tư theo yêu cầu phát triển mạng
lưới, do đó các dự án trọng điểm mở rộng các hệ thống chuyển mạch, thông tin di
động, nhắn tin, truyền số liệu được trình duyệt và xây dựng với tốc độ tương đối
nhanh. Hội đồng quản trị ban hành kịp thời quy chế tạm thời về đầu tư-xây dựng
cơ bản tạo điều kiện thuận lợi làm thủ tục về xây dựng cơ bản nhanh
hơn cho các đơn vị.
5. Về
cơ chế kế hoạch hóa, hạch toán và giá cước
Công tác quản lý xây dựng kế hoạch có nhiều cố gắng, xử lý linh
hoạt hơn trong việc huy động sử dụng các nguồn vốn, khẩn trương xây dựng và triển
khai kế hoạch tăng tốc phát triển mạng BCVT trên cả nước góp phần phát triển
kinh tế xã hội.
Việc quản lý giá cước đã được Tổng cục giao cho các Vụ, ban nghiệp
vụ trực tiếp đảm nhiệm, nghiên cứu trình Chính phủ cho phép Ngành đổi mới cơ chế
quản lý giá cước, tạo điều kiện cho Ngành chủ động, linh hoạt trong quản lý và
SXKD. Sự hoạt động có hiệu quả, chất lượng, đáp ứng nhanh chóng nhu cầu của xã
hội của Ngành đã được các cơ quan Nhà nước, cấp ủy và chính quyền địa phương ở
các tỉnh thành phố ngày càng quan tâm đúng mức và coi trọng, thấy được sự cần
thiết và lợi ích đầu tư phát triển để hiện đại hóa mạng lưới thông tin, do đó
đã ủng hộ, tạo điều kiện giúp đỡ giải quyết nhanh các thủ tục cần thiết như cấp
đất, giải phóng mặt bằng để triển khai công trình. Nhờ đó các công trình được đẩy
nhanh tiến độ thi công và đảm bảo chất lượng.
Công tác tài chính luôn gắn với công tác thống kê, vì vậy Tổng cục
đã bổ sung sửa đổi, ban hành hệ thống bảng biểu thống kê mới, sau đó nghiên cứu
ứng dụng tin học, làm cho công tác thống kê kế toán tài chính của Ngành đáp ứng
tốt hơn yêu cầu quản lý và điều hành SXKD.
6. Về
kinh doanh và phục vụ KTXH
Ngành luôn luôn chú trọng đến SXKD và phục vụ xã hội ngày càng tốt
hơn. Được Nhà nước cho phép, Ngành đã tiến hành tự vay tự trả, mạnh dạn huy động
mọi nguồn vốn trong và ngoài nước để phục vụ tốt cho các mục tiêu đầu tư tăng tốc
độ phát triển, đồng thời đóng góp vào ngân sách Nhà nước năm sau cao hơn năm
trước, bảo đảm trả nợ đúng hạn, số tiền dư kịp thời đầu tư phát triển vào mạng
lưới với tốc độ cao.
Được sự ủng hộ của Chính phủ và các bộ ngành hữu quan, với sự
đóng góp của khối chức năng, lực lượng thiết kế, sự tham gia tích cực của khối
cung ứng vật tư, xuất nhập khẩu thiết bị và các đơn vị xây lắp, hầu hết các
công trình bảo đảm đúng thủ tục, đầu tư dứt điểm đưa vào sử dụng phát huy tốt hiệu
quả, góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ an ninh quốc
phòng và tăng cường giao lưu quốc tế.
7. Hợp
tác quốc tế
Quan hệ hợp tác quốc tế tiếp tục phát triển và mở rộng. Ngành có
thêm nhiều kinh nghiệm, đội ngũ cán bộ ngày một trưởng thành và vững vàng, linh
hoạt, mềm dẻo hơn trong quan hệ đàm phán, kiên trì nguyên tắc chủ quyền, tôn trọng
lợi ích các bên, tạo được lòng tin với các hãng, công ty trong mối quan hệ hợp
tác đôi bên cùng có lợi.
Tổng cục đề ra kế hoạch đào tạo và đưa cán bộ của Việt Nam tham
gia các tổ chức bưu chính, viễn thông quốc tế và thế giới. Tổ chức hợp tác song
phương, đa phương với các nước, nhằm tranh thủ nguồn vốn đầu tư, tiếp nhận chuyển
giao công nghệ, học tập kinh nghiệm quản lý khai thác, kinh doanh và đào tạo
cán bộ để tiếp tục phát triển mạng lưới theo hướng hiện đại hóa, tạo thế cạnh
tranh lành mạnh giữa các hãng viễn thông trên thế giới, tiến đến dần dần xóa bỏ
thế cấm vận của Mỹ, song vẫn phải đảm bảo vững vàng an ninh và chủ quyền quốc
gia.
8. Nghiên
cứu ứng dụng KHKT
Nắm vững quan điểm cách mạng KHKT là then chốt, Ngành rất chú trọng
các hoạt động nghiên cứu khoa học gắn liền với thực tiễn sản xuất. Các đề tài về
kỹ thuật, kinh tế đã có tác dụng thiết thực cho sản xuất và quản lý. Để phát
triển công tác nghiên cứu, ứng dụng KHKT trong ngành Bưu điện đã có sự hợp tác
giữa cán bộ KHKT của nhiều đơn vị trong Ngành với nhau và cả với ngoài Ngành.
9. Về
công tác thanh tra, kiểm tra và bảo vệ
Thanh tra, kiểm tra và bảo vệ là những công tác không thể thiếu
đối với công tác quản lý và SXKD. Công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng,
buôn lậu đã được Ngành quan tâm thương xuyên, do vậy tránh được những vụ việc
đáng tiếc, giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo của CBCNV trong Ngành
và người dân sử dụng Bưu điện.
Ngành cũng chú trọng trong công tác bảo vệ an toàn thông tin mạng
lưới, các đài PTTH, phòng chống cháy nổ.
10. Công tác
thông tin tuyên truyền
Ngành đã quan tâm đúng mức công tác thông tin tuyên truyền và có
hướng đi đúng, hoạt động có hiệu quả. Ngành đã chú trọng tuyên truyền qua các
bài viết đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng và các báo, tạp chí của
Ngành nhằm tuyên truyền quảng cáo, hướng dẫn sử dụng các dịch vụ mới, tổ chức
giới thiệu và giải đáp những vấn đề về giá cước…
III. Tiếp
tục đổi mới và hoàn thiện bộ máy quản lý, tăng cường chức năng quản lý Nhà nước
1. Đổi mới bộ máy và hoàn thiện cơ chế quản lý
SXKD
Sau 2 năm hoạt động theo mô hình tổ chức mới đã bộc lộ nhiều bất
cập trong công tác quản lý Nhà nước và SXKD, ngày 26/10/1992, Thủ tướng đã ký
Nghị định số 03/CP thành lập lại Tổng cục Bưu điện trực thuộc Chính phủ với chức
năng quản lý Nhà nước về Bưu điện, đ/c Đặng Văn thân được bổ nhiệm là Tổng cục
trưởng Tổng cục Bưu điện, các đ/c Mai Liêm Trực, Đỗ Trung Tá được bổ nhiệm là
Phó Tổng cục trưởng. Đồng thời Thủ tướng cũng ra các Nghị định quy định
về tổ chức bộ máy giúp việc Tổng cục trưởng (các Vụ) và các đơn vị sự nghiệp
(Viện KHKT, Cục Tần số VTĐ, Trung tâm Thông tin Xuất bản), các đơn vị SXKD trực
thuộc Tổng cục (Tổng công ty BCVT, các doanh nghiệp khác ngoài Tổng công ty
BCVT).
Ngày 27/4/1993, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã bổ nhiệm đ/c Nguyễn Bá
(GĐ BĐ TP HCM) làm Tổng giám đốc Tổng công ty BCVT, các đ/c Đoàn Ngọc chung,
Nguyễn Hữu Bản, Đặng Đình Lâm giữ chức Phó Tổng giám đốc.
Tổng cục đã ban hành các văn bản về cơ chế và tổ chức sắp xếp lại
cơ cấu tổ chức cho hợp lý, đảm bảo sự hoạt động ổn định, có hiệu quả, Tổng cục
cũng nghiên cứu ban hành các quy định, trách nhiệm, quyền hạn, tổ chức bộ máy
và điều lệ hoạt động của các đơn vị trong ngành Bưu điện, phân định rõ chức
năng quản lý Nhà nước và SXKD của từng đơn vị.
Căn cứ vào định hướng đổi mới của Chính phủ, Tổng cục đã nhanh
chóng xây dựng các phương án trình Chính phủ về tăng cường vai trò quản lý nhà
nước, công tác quản lý Nhà nước từng bước tách ra khỏi công tác quản lý điều
hành SXKD. Ngày 07/5/1994, Thủ tướng ra QĐ số 91/TTg thí điểm chuyển Tổng công ty
BCVT thành Tập đoàn kinh doanh (gọi tắt là Tcty 91). Ngành Bưu điện đã khẩn
trương xây dựng phương án trình lên Chính phủ về thành lập doanh nghiệp Bưu điện
Việt Nam.
Ngày 29/4/1995, Thủ tướng ra QĐ số 249/TTG về việc thành lập Tổng
công ty BCVT Việt Nam trực thuộc Chính phủ có Hội đồng quản trị là cơ quan thay
mặt Nhà nước quản lý hoạt động của Tổng công ty. Tổng công ty BCVT Việt Nam là
Tổng công ty Nhà nước hoạt động SXKD, có tư cách pháp nhân, có các quyền và
nghĩa vụ dân sự theo luật định, tự chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động, kinh
doanh trong phạm vi số vốn do Tổng công ty BCVT quản lý.
Về nhân sự: Ngày 30/5/1995, Thủ tướng bổ nhiệm các lãnh đạo chủ
chốt của Tổng công ty BCVT Việt Nam:
- Đ/c Đỗ Trung Tá: GSTS, Phó Tổng cục trưởng TCBĐ giữ
chức chủ tịch HĐQT
- Đ/c Nguyễn Hữu Bản: KS, Phó Tổng giám đốc TCTy BCVT, giữ chức
Phó chủ tịch HĐQT
- Đ/c Mai Liêm Trực: PTS, Phó Tổng cục trưởng TCBĐ, UV HĐQT kiêm
Tổng giám đốc
- Đ/c Hoàng Xuân Nguyên: PGS, TS, NCV cao cấp Viện Vật lý (Trung
tâm KH Tự nhiên và công nghệ quốc gia), giữ chức UV HĐQT.
- Đ/c Vũ Ngọc Nhật, PTS, nguyên Vụ trưởng Vụ Giao thông-Bưu điện
(cũ) thuộc Bộ Tài Chính, giữ chức UV HĐQT
- Đ/c Trần Du Lịch: PTS, Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế TP HCM,
giữ chức UV HĐQT
- Các đ/c Đặng Đình Lâm, Đoàn Ngọc Chung, giữ chức Phó TGĐ.
- Ngày 03/6/1995, Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện bổ nhiệm đ/c
Vũ Văn Luân, Vụ trưởng Vụ TCCB giữ chức Phó TGĐ.
- Ngày 16/8/1995, Thủ tướng bổ nhiệm đ/c Nguyễn Huy Luận, Chánh
Văn phòng (TCBĐ) giữ chức Phó tổng cục trưởng TCBĐ, và đ/c Nguyễn Quế Hương, Vụ
trưởng Vụ KHCN – HTQT (TCB Đ) giữ chức Phó tổng cục trưởng TCBĐ.
- Ngày 09/12/1995, Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện bổ nhiệm
đ/c Trần Thị Xuân Nhật, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Kế hoạch (TCBĐ) giữ chức Phó TGĐ.
Cũng trong năm 1995, Thủ tướng cho phép thành lập một số doanh
nghiệp cung cấp dịch vụ BCVT ngoài Tổng công ty BCVT Việt Nam như công ty dịch
vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn (SPT), Công ty Điện tử Viễn thông quân đội
(Vietel). Tuy nhiên để tránh tạo ra các khe hở để các công ty viễn thông nước
ngoài có thể xen vào lợi dụng gây bất lợi cho các doanh nghiệp BCVT trong nước.
Về nguyên tắc vẫn phải đảm bảo Nhà nước giữ độc quyền, bảo đảm lợi ích quốc gia
và khẳng định vai trò chủ đạo của TCT BCVT Việt Nam. Về thực chất các doanh
nghiệp trên đang ở thời kỳ chuẩn bị chưa đi vào hoạt động.
2. Về quản lý Nhà nước bằng quy phạm pháp luật
Khi Tổng cục BĐ được thành lập lại, các văn bản đã ban hành
không còn phù hợp với tình hình phát triển về quản lý trong thời kỳ
tình hình kinh tế xã hội có nhiều thay đổi, nhiều vấn đề liên quan tới nghiệp vụ,
dịch vụ mới được đặt ra, các văn bản quy phạm pháp luật về các dịch vụ truyền
thống được tổ chức rà soát , sửa đổi… Vì vậy Tổng cục đã khẩn
trương xây dựng dự thảo Luật Bưu chính Viễn thông trình Chính phủ
phê duyệt.
3. Về xây dựng chính sách, định hướng, quy hoạch
và kế hoạch BCVT
Năm 1995, trên cơ sở các kết quả đạt được trong kế hoạch tăng tốc
giai đoạn I (1993-1995) Tổng cục đã xây dựng quy hoạch phát triển BCVT quốc gia
giai đoạn (1996-2000) và lấy ý kiến đóng góp của các bộ, ngành và
trình Chính phủ phê duyệt làm cơ sở cho Ngành phát triển đi trước một bước nhằm
phục vụ sự phát triển kinh tế xã hội và có cơ sở định hướng cho các doanh nghiệp
BCVT hoạt động. Cũng thời gian này, Ngành tăng cường phối hợp với các bộ ngành
xây dựng và ban hành các thông tư liên bộ như: Thông tư liên bộ Giao thông Vận
tải – Bưu điện về quản lý việc chuyển phát bưu kiện nặng, Thông tư liên ngành Tổng
cục Hải quan – Bưu điện về kiểm tra hải quan đối với vật phẩm, hàng hóa gửi qua
bưu điện, cùng Bộ Tài chính ban hành thông tư về cơ chế thu phí sử dụng tần số
VTĐ… Phối hợp với các bộ ngành giải quyết các vấn đề có liên quan đến phê chuẩn,
phê duyệt các điều ước quốc tế về BCVT, Internet, tuyến cáp quang biển đi qua
thềm lục địa Việt Nam, xuất nhập khẩu thiết bị BCVT, triển khai thực hiện nguồn
vốn ODA….
4. Tổ
chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trong tình hình mới
Mạng lưới Bưu điện phát triển nhanh, công nghệ ngày càng hiện đại,
đòi hỏi đội ngũ cán bộ không ngừng được nâng cao kiến thức quản lý và kinh
doanh. Vì vậy các trường, trung tâm đào tạo tiếp tục được nâng cấp, trang bị
thêm các thiết bị hiện đại. Các hình thức đào tạo đa dạng được thông qua việc
chuyển giao công nghệ và sản xuất công nghiệp, qua các hội thảo, hội nghị quốc
tế và khu vực được tổ chức tại Việt Nam, kể cả các dự án do các nước tài trợ.
Công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ đã có những đổi mới rõ nét cả về mục tiêu, nội
dung và phương pháp tuyển chọn đào tạo.
Để đáp ứng nhu cầu về cán bộ cho giai đoạn 1996-2000, Ngành đã
chú trọng về chiến lược đào tạo con người, dự thảo quy hoạch đào tạo cán bộ,
công nhân kỹ thuật. các trung tâm đào tạo, các trường công nhân đều có kế hoạch
mở rộng và phát triển, các giáo trình được biên soạn lại, cập nhật công nghệ mới.
Đặc biệt Ngành đã tổ chức và thử nghiệm thành công phương thức đào tạo từ xa.
5. Hợp
tác quốc tế
Qua các hội nghị quốc tế ở khu vực và thế giới về lĩnh vực BCVT,
Bưu điện Việt Nam đã khẳng định rõ vị trí, vai trò và uy tín của mình trên trường
quốc tế. Được phép của Chính phủ, Tổng cục Bưu điện tăng cường mở rộng quan hệ
hợp tác BCVT với các nước, theo khuôn khổ các Hiệp định đã ký kết giữa 2 Chính
phủ hoặc giữa 2 ngành với nhau và tạo điều kiện để các doanh nghiệp BCVT trực
tiếp quan hệ ký kết tìm kiếm khả năng hợp tác trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi
với các nước.
Năm 1995, Việt Nam tham gia vào tổ chức ASEAN, Tổng cục Bưu điện
đã chuẩn bị, triển khai các phương án để sẵn sàng tham gia vào các chương trình
hợp tác liên quan đến lĩnh vực BCVT. Được phép của Chính phủ, Ngành đã tham gia
vào dự án cáp quang với 6 nước: Trung Quốc-Việt Nam-Lào-Thái Lan-Malaysia-Singapo,
sau đó triển khai cụ thể việc thiết lập tuyến với các đối tác trên cơ sở sử dụng
công nghệ SDH với tốc độ 2,5Gbit/s, Tổng công ty BCVT được giao nhiệm vụ hợp
tác với Lào và Campuchia để xây dựng tuyến cáp quang giữa 3 nước…
Kết thúc năm 1995, ngành Bưu điện đã hoàn thành các chỉ tiêu kế
hoạch đề ra cho giai đoạn 1 (1993-1995) là tăng tốc phát triển BCVT. Một trong
những nguyên nhân đạt được thắng lợi là chúng ta đã biết phát huy sức mạnh của
tập thể lãnh đạo và toàn thể CBCNV với truyền thống quý báu của Ngành trong suốt
50 năm phấn đấu trưởng thành vượt qua biết bao khó khăn, nghèo nàn lạc hậu để
xây dựng và phát triển thành công hệ thống BCVT Việt Nam hiện đại và tiên tiến,
ngang tầm với thời đại. Điều đó thể hiện tư duy đúng đắn của tập thể lãnh đạo
đã chọn đúng hướng đi chiến lược là phải tiến thẳng vào kỹ thuật hiện đại lĩnh
vực BCVT, tận dụng điều kiện thuận lợi phát triển các quan hệ hợp tác quốc tế tạo
thành sức mạnh cạnh tranh giữa các đối tác trên thế giới và tranh thủ được các
nguồn vốn khác.
6. Phối
hợp, hợp tác trong Ngành
Trong suốt các thời kỳ phát triển, Ngành Bưu điện đã phối hợp chặt
chẽ với Bộ quốc phòng thể hiện rõ ý thức trách nhiệm về chính sách quốc phòng của
Ngành đối với đất nước.
Năm 1995, Ngành tổ chức 1.171 cuộc thanh, kiểm tra trên các lĩnh
vực tài chính, xây dựng cơ bản, nghiệp vụ bưu điện, chính sách xã hội. Thông
qua các cuộc thanh kiểm tra đã làm tốt công tác phòng ngừa, kịp thời phát hiện
xử lý các sai phạm, chấn chỉnh công tác quản lý. Các tổ chức Đảng, Đoàn, Công
đoàn trong Ngành đã phối hợp chặt chẽ cùng chuyên môn động viên kịp thời toàn
thể CBCNV hăng say làm việc, góp phần hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch
hàng năm.
Ngành Bưu điện đã phối hợp và đề nghị Bộ Khoa học Công nghệ và
Môi trường xét tặng Huy chương “Vì sự nghiệp Khoa học Công nghệ” cho 50 cán bộ
chủ chốt và cán bộ KHKT lâu năm của Ngành, xét tặng và trao Huy
chương “Vì sự nghiệp Bưu điện” cho một số các đ/c cán bộ ngoài Ngành và hàng
năm, nhân những ngày có ý nghĩa lịch sử, trao tặng Huy chương “Vì sự nghiệp Bưu
điện” cho CBCNV có nhiều đóng góp cho Ngành.
7. Thực hiện chính sách xã hội, chăm lo đời sống
CBCNV
Với truyền thống “Uống nước phải nhớ nguồn”, Ngành rất coi trọng
yếu tố con người, thường xuyên quan tâm đến đội ngũ CBCNV. Ngành có nhiều biện
pháp để từng bước giải quyết, khắc phục những khó khăn về đời sống cho CBCNV,
thực hiện tốt chính sách xã hội đối với cán bộ trong Ngành…Phối hợp giữa Tổng cục
Bưu điện-Tổng công ty BCVTVN-Công đoàn Bưu điện Việt Nam ra Nghị quyết liên tịch
số 1524.Q ĐLT về chăm lo sức khỏe cho CBCNV, chính sách thâm niên, chế độ hỗ trợ
tiền nhà, chế độ đối với các gia đình thương binh liệt sĩ, gia đình có công với
cách mạng… Hưởng ứng cuộc vận động của Ngành, Ngành đã nhận phụng dưỡng 201 bà
mẹ VNAH…
8. Đánh
giá chung những thành công và tồn tại giai đoạn (1991-1995)
Qua 5 năm, quán triệt đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước,
Ngành đã triển khai thực hiện những chủ trương chính sách một cách sáng tạo,
đúng đắn, phù hợp với nhiệm vụ xây dựng và phát triển mạng lưới BCVT theo hướng
hiện đại hóa và đa dịch vụ. Đến năm 1995, toàn bộ mạng lưới hoàn
toàn đổi mới với trình độ công nghệ hiện đại (Digital) có đủ khả năng tiếp cận
và hòa nhập với các nước khu vực và thế giới, năng lực phục vụ thông tin không
những đáp ứng kịp thời nhu cầu kinh tế xã hội mà còn chuẩn bị một phần năng lực
để đáp ứng nhu cầu phát triển mạng lưới BCVT cho giai đoạn sau này. Một sự tiến
bộ nhảy vọt của BCVT là đã tạo ra các dịch vụ thông tin thuận tiện có chất lượng
cao, đóng góp đáng kể cho sự nghiệp đổi mới của đất nước góp phần giữ vững an
ninh quốc phòng, phục vụ dân sinh, nâng cao dân trí…Những thành tựu đạt được
trong giai đoạn 1991-1995 là tiền đề quan trọng tạo ra thế và lực mới để Ngành
bước vào thực hiện kế hoạch tăng tốc giai đoạn 2 (1996-2000).
Nói chung về tổng thể, Ngành vẫn chưa hoàn chỉnh việc xây dựng
các chiến lược công nghệ, hợp tác quốc tế, vốn đầu tư, phát triển mạng lưới,
đào tạo nguồn nhân lực, công tác xây dựng và bảo vệ chức danh công chức CBCNV
cũng chưa thực hiện được đầy đủ, công tác đào tạo cán bộ quản lý theo hướng
chính quy chưa được chú trọng đúng mức, sau khi bổ nhiệm nhiều cán bộ còn phải
đưa đi đào tạo tiếp để có đủ trình độ và năng lực làm việc quản lý điều
hành….Những tồn tại đã được lãnh đạo Ngành nhìn nhận, đánh giá nghiêm túc để từ
đó có những giải pháp thích hợp nhằm đưa ngành Bưu điện tiếp tục phát triển